Website của bạn đang gặp tình trạng có rất nhiều người dùng vào spam comment, làm cho khách hàng khó chịu khi đọc bình luận. Những link spam đó khiến cho trang web của bạn không còn nằm trong top cao của SERP.
Nhưng bạn không biết làm sao để thoát khỏi tình trạng này.
Hãy cùng Minimo SEO tìm hiểu về Link Rel Nofollow là gì, trợ thủ đắc lực giúp bạn thoát khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của Backlink kém chất lượng.
Nofollow Link là gì?
Trong HTML, rel là một thẻ quy định thuộc tính của liên kết. Nofollow là những link được gắn thẻ rel=”nofollow”. Công cụ tìm kiếm sẽ bỏ qua những link được gắn thẻ này. Các liên kết Nofollow sẽ không tính vào Page Rank. Do đó, chúng không ảnh hưởng đến thứ hạng của website trên các công cụ tìm kiếm.
Vậy Nofollow Link và Dofollow Link khác nhau như thế nào?
Là người dùng thông thường, khi đọc một bài viết, bạn sẽ không phân biệt được 2 loại link này, và nó cũng không ảnh hưởng gì đến bạn cả. Tuy nhiên, đối với SEO, có sự khác biệt rất lớn giữa 2 loại link này. Các công cụ tìm kiếm sẽ xem các link trỏ về website của bạn (Backlink) là một yếu tố quan trọng để xếp hạng.
Khi các Link Dofollow trỏ về website của bạn, nếu đó là website chất lượng và có điểm Page Rank cao, nó có thể giúp bạn xếp hạng cao hơn trên các công cụ tìm kiếm. Ngược lại, nếu đây là web kém chất lượng, có thể nó sẽ kéo điểm của website bạn xuống. Nofollow đã ngăn không cho công cụ tìm kiếm đi qua, nên dù nó có chất lượng hay không, nó cũng sẽ không ảnh hưởng đến thứ hạng website của bạn.
Vì sao các công cụ tìm kiếm tạo ra thẻ Nofollow?
Mục đích ban đầu khi tạo ra thẻ Nofollow là chống việc spam comment trên Blog. Khi Blog ngày càng phổ biến, mức độ spam bình luận cũng ngày càng tăng. Họ sẽ dẫn link trỏ về website của họ trong phần comment trên blog của bạn.
Điều này gây ra 2 vấn đề:
- Các trang web spam sẽ được Google đánh giá tốt, đẩy các trang web chất lượng cao ra khỏi top đầu của kết quả tìm kiếm.
- Thấy được sự ảnh hưởng đó, ngày càng có nhiều bình luận spam và dần vượt quá tầm kiểm soát.
Vào năm 2005, thẻ Nofollow đã được đưa vào trong thuật toán của Google.
Làm thế nào để bạn xem một liên kết có phải là Nofollow Link hay không?
Bạn có thể kiểm tra liên kết bằng cách sau đây:
Bước 1: Click chuột phải vào trình duyệt của bạn, sau đó chọn “ Xem nguồn trang (View page source)”.
Bước 2: Tìm liên kết trong HTML của trang.
Nếu bạn nhìn thấy thuộc tính rel=”nofollow”, đó là Link Nofollow. Nếu không thấy xuất hiện thuộc tính Nofollow, đó là Link Dofollow.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng tiện ích mở rộng của Chrome là “Strike Out Nofollow Links”
Công cụ này sẽ tự động đặt một dòng ngang qua Link Nofollow trên một trang.
Nhờ có công cụ này, bạn không cần phải kiểm tra theo cách thủ công nữa.
Thẻ Nofollow thường được gắn vào những loại liên kết nào?
Những trang web sau đây sẽ luôn sử dụng thẻ rel=”nofollow” trên tất cả các External Link trỏ ra ngoài:
- Youtube
- Wikipedia
- Quora
- Twitch
- Medium
Do đó, bạn có thể không cần lo sợ sẽ bị Google phạt nếu nhận những liên kết trỏ về từ những website này.
Ngoài ra, người ta thường có xu hướng gắn thẻ Nofollow vào:
- Bình luận Blog
- Phương tiện truyền thông xã hội (liên kết gắn trong bài đăng trên Facebook, mô tả trên Youtube,…)
- Các liên kết trong thông cáo báo chí
- Liên kết từ “Widget”
- Một số Blog và trang tin tức (VD: Huffington Post)
- …
Nofollow Link có lợi như thế nào đối với SEO?
Link Nofollow không ảnh hưởng đến điểm PR, nên có lẽ bạn sẽ nhầm tưởng rằng, Nofollow Link không giúp ích gì trong SEO. Nofollow Link không mang lại lợi ích trực tiếp trong việc đứng hạng cao trong kết quả tìm kiếm, nhưng nó cũng có sức ảnh hưởng đến những yếu tố khác.
Nofollow Link sẽ mang lại lưu lượng truy cập cho trang web của bạn
Khi bạn viết một bài viết thật chất lượng và chia sẻ lên các diễn đàn, các group, nếu nội dung bài viết chất lượng, khả năng điều hướng cao, người dùng sẽ truy cập vào website của bạn và giúp bạn tăng lượng traffic một cách miễn phí.
Kéo theo nhiều Link Dofollow
Khi đem link vào những nền tảng như Facebook, Youtube,… và gắn nó là Nofollow, có thể bạn sẽ thu hút được lưu lượng truy cập như Minimo đã đề cập ở bên trên. Nhưng bên cạnh đó, nếu như những website khác thấy nội dung của bạn chất lượng, họ sẽ không ngần ngại mà trỏ link đến website của bạn để giúp tăng trải nghiệm người dùng của họ.
Link Nofollow là một loại link khá tự nhiên
Có rất nhiều SEOer spam quá mức, tạo thật nhiều Backlink Dofollow không tự nhiên về website của họ. Tất nhiên điều này sẽ dẫn đến việc chịu những án phạt của Google. Nhưng Link Nofollow thì không. Đây được xem là một liên kết không spam và không ảnh hưởng đến website của bạn.
Đặt Link Nofollow bằng cách nào?
Bước 1: Trong WordPress, highlight văn bản bạn muốn chèn link. Sau đó nhấp vào biểu tượng liên kết ở thanh nhập dữ liệu.
Bước 2: Chuyển sang chế độ HTML bằng cách chuyển từ tab “Visual” sang tab “Text” ở trên đầu cửa sổ bài post.
Bước 3: Tìm liên kết mà bạn muốn trong HTML. Nó sẽ có cấu trúc là:
Bước 4: Thêm thẻ rel=”nofollow” vào trong thẻ <a>.
Chỉ đơn giản với 4 bước trên, bạn đã có thể gắn thẻ Nofollow vào link mà bạn muốn.
Khi nào nên sử dụng thẻ rel=”nofollow” cho website của bạn?
Nội dung không đáng tin cậy
Nếu có những nội dung không phải do bạn tạo ra, hoặc bạn không thể kiểm soát được, để đảm bảo thứ hạng website của bạn không bị ảnh hưởng, bạn nên sử dụng thẻ này.
Ví dụ như: các bình luận trên bài post của bạn, hay trên diễn đàn thảo luận có dẫn link về website của bạn.
Liên kết trả phí
Theo nguyên tắc quản trị trang web của Google, mọi liên kết mà bạn trả tiền đều phải gắn thẻ Nofollow. Nếu không, bạn có thể sử dụng thuộc tính rel=sponsored cho những liên kết trả phí đó.
Ví dụ, nếu bạn trả tiền cho một Banner Ad trên một trang web, Google yêu cầu liên kết đó phải được gắn Nofollow. Nếu không, trang của bạn có thể bị phạt.
Ưu tiên thu thập dữ liệu bằng Google Bot
Nếu trang của bạn có 50 bài viết, trong đó có 30 bài quan trọng và muốn bot Google thu thập dữ liệu để tăng hạng, 20 bài viết còn lại thì không quan trọng đối với công cụ tìm kiếm.
Khi bạn thêm thẻ rel=”nofollow” vào các Internal link của 20 bài viết kia, Google bot sẽ dễ dàng thu thập dữ liệu của 30 bài viết quan trọng. Điều này sẽ giúp tăng tốc độ đánh giá và xếp hạng của Google, web của bạn sẽ được xếp hạng nhanh hơn trên trang kết quả tìm kiếm.
Tránh hình phạt từ Google
Khi bạn bắt buộc phải để External link đến các trang web không uy tín để tăng trải nghiệm người dùng, nhưng các web này có thể làm tụt giảm thứ hạng của bạn. Để khắc phục điều đó, bạn có thể đặt thẻ Nofollow cho các liên kết này.
Kết luận
Như vậy, Link Nofollow cũng là một phương tiện giúp đỡ các SEOer nếu như sử dụng chúng đúng cách. Hy vọng bài viết trên giúp đỡ được bạn trong quá trình tối ưu hóa website.
Tài liệu tham khảo
What Is a Nofollow Link? Here’s A Simple Plain English Answer